Kỹ thuật Xây dựng chuồng trại nuôi vịt trời Tiết Kiệm

Bí quyết tạo nên thành công trong chăn nuôi Vịt trời là việc tuân thủ quy trình chăn nuôi sạch, trong đó việc thiết kế chuồng trại có vai trò hết sức quan trọng. Với kinh nghiệm xây dựng và chuyển giao cho hàng trăm trang trại lớn nhỏ trên cả nước, Trang trại VAC chia sẻ cho bà con kỹ thuật xây dựng chuồng trại nuôi vịt trời như sau:

Bước 1: Chọn vị trí xây chuồng trại nuôi Vịt trời

Bà con nên lựa chọn kết hợp khu vực xây dựng trang trại là nơi gần ao hồ, sông, suối… bởi vịt trời cần không gian bơi lội. Để đàn vịt phát triển tốt, khi chọn vị trí nuôi cần tránh các khu dân cư, khu công trình nhiều tiếng ồn, ô nhiễm rác thải.

Chọn vị trí xây chuồng nuôi Vịt trời

Vị trí xây chuồng trại nuôi Vịt trời phải gần ao, hồ

Bước 2: Xây ô phân chuồng theo lứa tuổi Vịt trời

Bà con cần phải xây dựng chuồng trại thành các ô nhỏ riêng biệt, việc chia ô có tác dụng phân loại độ tuổi của vịt. Khi mua vịt trời giống cùng lứa tuổi được nhốt trong cùng một ô. Mỗi ô chuồng sẽ được chia làm 2 phần, chiếm khoảng 2/3 diện tích chuồng nhằm chia khu ăn uống riêng và nghỉ ngơi riêng cho vịt; 1/3 diện tích còn lại sẽ được thiết kế làm ao cho vịt bơi lội.

Chuồng nuôi Vịt trời theo lứa tuổi

Xây ô phân chuồng nuôi Vịt trời theo từng lứa tuổi

1. Chuồng trại nuôi Vịt trời giai đoạn vịt con

Xây dựng nền chuồng trại nuôi Vịt trời (xi măng/lưới)

Giai đoạn Vịt trời con từ 1-8 tuần tuổi nên nuôi trên nền. Đặc điểm của nền chuồng nuôi vịt trời là phải khô, sạch. Trong 3 tuần đầu tiên nhốt vịt con trên nền sàn cứng (xi măng hoặc gạch) hoặc trên sàn lưới kích thước mắt lưới nhỏ 18-19mm. Chú ý diện tích nền chuồng nuôi Vịt trời sẽ thay đổi từng tuần:

Với nền sàn cứng thì số con trên/diện tích tiêu chuẩn như sau:

+ Tuần 1: 0,07 – 0,08 m2/con.

+ Tuần 2: 0,10 – 0,11 m2/con.

+ Tuần 3: 0,17 – 0,20 m2/con.

Với nền sàn lưới thì số con trên/diện tích tiêu chuẩn như sau:

+ Tuần 1: 0,04 m2/con.

+ Tuần 2: 0,05 – 0,06 m2/con.

+ Tuần 3: 0,08 – 0,09 m2/con.

Đến tuần 4, nền chuồng phải trải chất độn. Khi này, bạn có thể dùng rơm, rạ, trấu hoặc phôi bào… để làm chất độn chuồng nuôi Vịt trời. Lưu ý trong lần đầu tiên trải lớp độn có độ dày từ 5-10cm. Định kỳ thay chất độn chuồng hoặc trải thêm lên bằng một lớp mới để đảm bảo độn chuồng luôn khô, sạch.

Nền và chất độn chuồng nuôi Vịt trời

Xây dựng nền và chất độn cho chuồng nuôi

Nhiệt độ sưới ấm cho chuồng trại nuôi Vịt trời

Vịt trời giống con phải được sưởi ấm trong 3 tuần đầu. Nếu thời tiết ấm áp chỉ cần sưởi 2 tuần đầu. Nhiệt độ chuồng nuôi vịt trời thích hợp trong 3 tuần đầu như sau:

+ Tuần 1: 35 độ C – 24 độ C.

+ Tuần 2: 24 độ C – 18 độ C.

+ Tuần 3: 18 độ C – 17 độ C.

Cung cấp ánh sáng cho chuồng nuôi Vịt trời

Vịt trời con cần được chiếu sáng 23/24 giờ trong ngày. Vào ban ngày thì có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên. Ban đêm cần dùng ánh sáng nhân tạo cường độ thấp (15w/20m2). Ngoài tác dụng chiếu sáng, sưởi ấm – ánh sáng còn có tác dụng giúp cho vịt trời tránh bị kích động.

Thiết kế Máng ăn, máng uống cho chuồng nuôi Vịt trời

Máng ăn phải rộng để cho tất cả vịt trời con tiếp xúc được với thức ăn. Chiều dài máng bảo đảm 7 – 8cm/con. Máng uống phải được vệ sinh hàng ngày, máng phải bảo đảm đủ chỗ cho vịt đứng uống. Độ dài máng bình quân cho vịt ở giai đoạn vịt con là 9,5cm/con. Phải luôn có đủ nước sạch trong máng uống.

2. Chuồng trại nuôi Vịt trời giai đoạn hậu bị và trưởng thành

Đối với chuồng trại nuôi vịt trời thương phẩm, bà con nên láng xi măng để thuận tiện cho việc vệ sinh. Hơn nữa, nếu muốn cho vịt nằm sạch sẽ, bà con có thể đầu tư làm sập lỗ, nền lưới để khi xả nước có thể rửa trôi hế phân ra khu vực tập kết. Kích thước đường kính lỗ không quá lớn, tránh vịt lọt chân và bị kẹt.

Chuồng trại nuôi vịt trời thương phẩm

Chuồng trại nuôi Vịt trời giai đoạn hậu bị và trưởng thành

Vị trí đặt máng uống cũng phải thoát nước nhanh vì vịt ăn, uống hay vẩy tung tóe. Máng ăn để trong chuồng nuôi, máng uống để ngoài sân chơi. Mùa hè phải có bóng râm hoặc che nắng cho máng uống. Có thể trồng thêm các loại cây ăn quả (loại cây thân cứng) để tạo bóng mát và cảnh quan cho khu chuồng nuôi.

Nuôi vịt trời phải có nguồn nước để vịt uống và bơi lội. Khu vực bơi lội cho vịt, bà con nên làm lỗ thoát nước thuận tiện cho việc vệ sinh, xả nước, thay nước sau này. Đặc biệt, sân chơi phải có diện tích rộng gấp 2 – 3 lần chuồng nuôi và cũng phải láng xi măng cát hoặc lát gạch để hàng ngày tiện cho việc cọ rửa, làm vệ sinh.

Không gian chuồng nuôi vịt trời thịt

Khu vực sân chơi và ao bơi lội cho Vịt trời

Lưu ý: Không nên thả Vịt trời vào các ao cá giống bởi chúng sẽ ăn cá thả trong đó, không nên nuôi vịt trên vườn cây thân mềm bởi chúng sẽ làm hỏng và chết cây.

Mái che và lưới căng bao quanh chuồng trại nuôi Vịt trời

Vịt trời biết bay, do vậy khi làm chuồng trại, bà con nên tăng độ cao lên 3m – 3,5m. Tránh tình trạng vịt trời bay nhảy sang chuồng khác – ảnh hưởng đến cách quản lý và chăm nuôi sau này.

Xung quang chuồng trại nuôi, sân chơi và bể bơi lội có thể quây căng kín xung quanh bằng lưới B40 hoặc lưới cước sao cho phù hợp với địa thế khu trang trại để tránh vịt bay ra ngoài

Mái che và lưới bao quanh chuồng nuôi Vịt Trời

Mái che và lưới bao quanh chuồng nuôi đảm bảo vịt ko bay ra ngoài

Bước 3: Xây dựng ổ đẻ trứng cho Vịt trời

Ổ đẻ cần đặt nơi yên tĩnh, sát vách chuồng. Ổ đẻ phải làm phía trong chuồng để khi vịt từ ao lên, đi qua sân chơi vào chuồng đến ổ đẻ thì chân đã khô, không làm bẩn ướt ổ đẻ. Có thể ngăn riêng cho khu vực ổ đẻ: hàng ngày sau 8 giờ sáng ngăn khu vực này lại để tránh vịt vào nằm trong ổ đẻ làm dơ bẩn ổ đẻ.

Ổ đẻ được làm bằng gỗ, tre, tấm cót,… chia thành từng ô có kích thước 40 x 60 x 40cm. Tính trung bình, mỗi ô cho 4 – 6 con mái đẻ. Thí dụ: một đàn vịt đẻ có 100 con mái thì làm 4 cái ổ đẻ, mỗi cái 5 ô đẻ. Đàn vịt có 500 mái thì làm 15 cái, để dọc theo vách chuồng (chiều dài 30m).

Lưu ý:

+ Ổ đẻ trứng phải chống được chuột và các động vật khác xâm nhập, phá ổ trứng. Tránh mưa nắng cho ổ đẻ.

+ Nếu làm chuồng sàn trên ao cá, trước hết phải lót sàn ở chỗ đặt ổ đẻ bằng tấm caton, tấm cót… rồi mới đặt ổ đẻ lên, nhằm tránh cho rơm, trấu rơi xuống ao.

+ Phải định kỳ thay lót ổ đẻ để tránh ẩm ướt và mốc. Trong điều kiện ẩm ướt, nấm và vi khuẩn rất dễ phát triển.

Filed in: Cẩm nang nhà nông, Kỹ thuật chăn nuôi Vịt Trời hiệu quả cao

Bình luận

Gửi bình luận

Trang trại VAC Việt Nam
Hotline: 0915.900.366